Chương 5: Nhìn thấu qua các vọng tưởng

“Hãy suy tư, và niềm tin sẽ đến từ bên trong.”

Dipa Ma dạy rằng, bên trong tâm có đầy vọng tưởng, hết cái nầy đến cái khác, cũng tựa như những con búp bế có nhiều lớp, lồng vào nhau thành một con (nesting dolls). Khi bạn cởi con ngoài, thì còn những con bên trong. Cởi một con, lại lòi ra một con khác nữa. Ðến khi bạn đã lột tới con cuối cùng, và mở nó ra, bạn thấy gì ở bên trong? — chỉ là một sự trống không, chẳng còn có chi hết cả. Và xung quanh bạn đầy những cái vỏ trống của những mẩu chuyện cũ của đời bạn, những vọng tưởng của đời bạn mà thôi. Bởi vì Dipa Ma đã có khả năng nhìn thấu suốt qua tất cả các mẩu chuyện cũ của cuộc đời (vọng tưởng của tâm), nên bà chẳng bao giờ công nhận có những thảm kịch cá nhơn bất cứ dưới hình thức nào. Bà muốn các học viên của bà phải sống với một sự thật sâu xa hơn là sự giải đoán rồi tự đồng hoá mình với những biến cố ngoại lai của đời mình. Dipa Ma đã thấu hiểu tường tận các thảm kịch của cuộc đời. Bản thân bà đã nếm mùi thống khổ của căn bịnh trầm kha, nổi đắng cay trước cái chết của chồng, của cha mẹ và của hai con, và cơn tuyệt vọng dày vò. Chỉ khi bà đã vượt qua khỏi sự tự mình đồng hoá với những cố sự và thảm kịch của đời bà, bà mới bắt đầu trở nên một con người giải thoát.

Chẳng thành vấn đề! – Ðôi khi gặp người đến với bà, mang theo tất cả những nổi âu lo phiền muộn, thì bà cười dòn, lại cứ cười. Bà chẳng thể nín cười được. Sau cùng, bà ôn tồn bảo: “Cái vấn đề mà bạn đang phải đối đầu đó chẳng thành vấn đề đâu. Chỉ vì bạn nghĩ, “Ðấy là nỗi khổ của tôi!”, “Ðấy là điều mà tôi phải giải quyết cho xong”. Ðừng suy nghĩ theo chiều hướng đó nữa, rồi thì chẳng có vấn đề nào cả.” — Dipak Chowdhury

Ðừng tưởng họ đã đảnh lễ con! – Khi tôi lên tám tuổi, tôi được làm lễ xuất gia ở Bồ đề đạo tràng (Bodh Gaya) theo sự đề nghị của bà. Tôi được làm tu sĩ trong ba ngày. Ngay sau lễ xuống tóc, thiên hạ bắt đầu đảnh lễ tôi. Tôi nghĩ, “Chà! Oai quá nhĩ!” Tôi cảm thấy mình rất đặc biệt. Nhưng bà ngoại tôi đã nhắc chừng tôi: “Ðừng tưởng họ đảnh lễ con. Họ chỉ đang lạy cái áo cà sa vàng của con đó mà thôi.” — Rishi Barua, cháu ngoại của Dipa Ma

Chẳng đặc biệt gì! – Chúng tôi ngồi ở băng sau trên chiếc xe đi thăm viếng thiền sư Munindra. Dipa Ma ngồi kế bên tôi và bà nắm tay tôi. Xuyên qua bàn tay của bà, tôi cảm thấy một luồng hơi nóng rần rần đầy tình thương truyền sang người tôi. Tôi như phơi mình trong nắng ấm. Có lẽ trong một hay hai phút, tôi đang say sưa đắm mình vào đó, thì trong đầu tôi lại nẩy vụt lên ý tưởng: “Ồ! Bà thật là đặc biệt!” Ngay lúc tôi nghĩ như thế, thì bà tức khắc buông tay tôi ra, một cách hết sức dịu dàng, và kể từ phút đó bà chẳng chạm tới nữa cho đến hết cuộc hành trình. — Matthew Daniell

Bạn có ý định gì? – Một buổi tối nọ, một người sinh viên đến gặp Dipa Ma và đặt ra rất nhiều câu hỏi. Ðến từ một nơi trí thức đầy ắp lý thuyết trừu tượng, chàng ta tỏ rất thách thức và thích chạm trán, và cố làm cho bà phải tranh luận. Ðộ một lúc, bà ngưng lại và nói với một giọng hết sức trầm tỉnh: “Vì lý do nào mà bạn đến đây? Bạn có ý định gì?” Sự thành thật của câu bà hỏi đã tức thời làm câm miệng chàng sinh viên. — Ajahn Thanasanti

Tháo mở tuôn ra. – Vừa mới tới Ấn độ, tôi muốn đến gặp ngay Dipa Ma. Jack, Joseph và Sharon liền nói: “Cứ đi đi.” Thế là tôi đến tìm bà, ngay chiều tối hôm ấy. Tôi có điạ chỉ của bà, nhưng chẳng biết đi lối nào đến đó. Trời đã tối sầm khi tôi tới. Tôi còn nhớ bước xuống taxi, tại một khu nghèo khó trong thành phố, và vừa nhìn xuống con đường hẽm nhỏ hẹp, tăm tối, đầy rác bẩn, tôi vừa nghĩ: “Ðây, chắc chẳng phải đúng chỗ đâu.” Nhưng mà đúng nơi thật.

Ðến mút đường hẽm, tôi bước tới gần một cầu thang trống trải, bên phải. Tôi được chỉ dẫn là bà ở tầng thứ tư, nhưng rất khó nhìn rõ và tôi càng lúc càng lo lắng có lẽ đã đi qua khỏi mất rồi. Nhưng sau rốt, tôi cũng đến bao lơn lầu tư, nói lên tên bà với người đầu tiên tôi gặp. Họ trỏ vòng quanh bao lơn về phía bên kia của khoảng sân trống. Có lẽ lúc nầy đã sáu hay bảy giờ tối rồi. Các học viên của bà đã ra về cả, và hiện giờ chắc là thời giờ dành riêng cho gia đình. Tôi lúng túng cáo lỗi, vì tưởng đâu chẳng tới quá muộn như vầy. Tôi vừa học xong bốn tháng thực tập thâm luyện. Nay đổ đuờng đến đây chỉ để học pháp, tôi nghĩ điều nầy chắc cũng phải quan trọng hơn là lo việc riêng tư cho mình.

Tôi nhìn thấy một người đàn bà gầy thấp đang đứng ngoài cửa. Tôi bấp búng vài tiếng, thì bà bảo tôi chờ, và gọi con bà là Dipa ra thông dịch. Tôi tự giới thiệu và nói là bạn- đạo rất thân với Joseph Goldstein và Sharon Salzberg cùng học pháp với nhau. Bà mời tôi đi vào căn phòng nhỏ của bà.

Tôi nhớ, ngồi trên chõng gỗ của bà, tôi bắt đầu kể lại vì sao tôi đến đây, thuật đầy đủ về mấy tháng tu tập ráo riết vừa qua và những kinh nghiệm đã thâu thập được. Bà thật hết sức tử tế và hiếu khách. Bà chăm chú nhẫn nại lắng nghe qua lời thông dịch của Dipa, dường như thể là vào giờ phút nầy, chẳng biết làm chi hơn là ngồi nghe một người đàn ông trẻ, kẻ vừa xâm nhập vào nhà bà, phô trương các kinh nghiệm đầy mình của hắn. Tôi càng tiếp tục nói thì có một sự việc gì, tự bên trong tôi, cứ tự tháo mở mà tuôn ra.

Chuyện xảy ra chiều hôm ấy chưa hề đến với tôi lần nào và cả về sau nữa. Tôi cũng đã lắm lần tỏ ra lo lắng khi gặp người khác trước đây. Qua năm tháng, tôi cũng đã gặp nhiều người quan trọng ở mọi tầng lớp xã hội. Nhưng chưa hề có chuyện giống như chiều nay. Tôi càng tiếp tục nói, từng đợt hoảng hốt và bối rối càng khởi dậy lên và tràn ngập cả tâm hồn tôi. Tâm tôi bắt đầu quay cuồng đến mức chẳng còn kiểm soát được. Tôi lo nghĩ có lẽ tôi đã bắt đầu nói mà chẳng ai hiểu được cả. Tôi cảm thấy cuống cuồng hoàn toàn và bối rối hết mực. Tất cả sự cao mạn của tôi, tất cả sự tự quan trọng hoá của tôi, tất cả kinh nghiệm của tôi, tất cả sự tự cho mình là đặc biệt và đang dự cuộc hành hương phi thường nầy, tất cả đều sụp đổ dữ dội bên tai tôi, chỉ trong khoảnh khắc. Và Dipa Ma chẳng có làm chi hơn là cứ ngồi đó nhìn tôi với đôi mắt từ ái và lắng nghe chăm chú. — Jack Engler

Tất cả mọi sự vật đều vô thường. – Khi con trai tôi mất năm 1984, Dipa Ma đã làm tôi sửng sốt rụng rời khi nghe bà nói. Ðó là một bài học khó quên cho tôi. “Hôm nay con trai bạn đã rời cõi đời nầy. Tại sao bạn lại rụng rời thê thảm thế? Tất cả mọi sự vật đều vô thường. Chồng bạn vô thường. Con trai bạn vô thường. Con gái bạn vô thường. Tiền bạc của bạn vô thường. Nhà cửa bạn vô thường. Vật nào, việc gì cũng vô thường. Chẳng có chi là thường còn hết. Khi bạn còn sống, bạn có thể nghĩ: “Ðây là con gái tôi, đây là chồng tôi, đây là tài sản của tôi, đây là nhà của tôi, chiếc xe nầy thuộc về tôi”. Nhưng đến khi bạn chết đi, chẳng có gì là của bạn hết. Nầy chị Sudipti, chị nghĩ chị là một thiền sanh đứng đắn, nhưng chị còn phải thật sự học hỏi rằng tất cả đều vô thường.” — Sudipti Barua

Chẳng chút lo lắng. – Ðiều mà tôi lo sợ nhứt — chồng mất, đàn con mất — đã xảy ra cho Dipa Ma, tuy vậy, mà coi kià, bà thật là yên lặng, trầm tĩnh, và tươi cười. Nhìn thái độ bà trước những nỗi khổ tâm gây nên phiền muộn, mà chính tôi cũng đã trải qua, nhưng chẳng chút lo lắng nào, thật một nguồn cảm hứng lớn. — Sylvia Boorstein

Một số người Mỹ, lo âu về tình trạng nghèo khó trong khu vực chợ cũ của đô thị Calcutta, nơi Dipa Ma sanh sống, đã chung góp tặng phẩm để giúp bà dời khỏi nơi ấy. Một thiền sanh kể lại việc anh đến nhà Dipa Ma để trao số tiền xây cất nhà mới.

Buông xả. – Tính tổng cộng lại, tôi được hai mươi lăm ngàn đô la Mỹ trong quỹ xây cất ngôi nhà đó, tôi nghĩ nếu đổi ra tiền Ấn độ thì đủ cất được nửa ngôi nhà. Số tiền trên cũng dư cho cả gia đình Dipa Ma sống đầy đủ trong một năm. Bởi vì tôi mến thương bà quá — và cũng có lẽ tại vì tôi tự quan trọng hoá mình chút chút — tôi đã nhận lấy trách nhiệm mang số tiền đó đến long trọng trao cho bà, và với cả một niềm thích thú to tát.

“Hãy chờ xem bà nhìn đến những gì tôi đang mang lại cho bà”, tôi đang thầm nghĩ, “Cả nửa ngôi nhà, chớ bộ!”

Khi đến nơi, tôi thưa với bà, tôi mang từ Mỹ đến một số tiền bằng đô la Mỹ. Bà bảo: “Chúng tôi chẳng thể đổi tiền Mỹ được. Chúng tôi lại chẳng được phép giữ đô la nữa. Bạn nên đem đổi ra tiền ru pi của Ấn độ.” Cứ theo giá chánh thức đổi ngoại tệ vào lúc đó, thì hai mươi lăm ngàn đô la Mỹ trị giá khoản bốn mươi lăm ngàn ru pi. Tôi đến ngân hàng American Express Bank, và giấy bạc lớn nhứt mà họ có là giấy một trăm ru pi. Tôi bước ra khỏi nhà băng trên vai vác một bao tải đầy ắp giấy bạc ru pi. Trước đây, tôi đã bị cướp giựt hai lần tại Ấn độ — một lần đến một ngàn đô la — nên tôi cảm thấy thần kinh căng- thẳng khi vác bao bạc qua các đường phố ở Calcutta. Tôi lại có cảm tưởng như vai mình đang mang cả tương lai của Dipa Ma: ngôi nhà của bà, trọn tài sản của bà, và cả cơ duyên may mắn cho bà sống một đời sung túc. Tôi đi thẳng từ ngân hàng đến nhà bà. Mất gần một giờ mới đến nơi, và theo mỗi bước đi, lòng lo âu của tôi càng lên cao. Tôi rất nôn nóng để nhìn thấy gương mặt bà. Trước đây, chúng tôi nghĩ là phải mất đến năm năm mới quyên đủ số, thế mà đây, sau ba tháng đầu thôi, tôi lại được hân hạnh đem nửa ngôi nhà đến cho bà. “Chắc bà vui mừng lắm!”, tôi thầm nghĩ mãi như thế. Ðến lúc tới nơi, tôi ướt đẫm cả mồ hôi. Tôi vừa bước qua cửa, Dipa Ma đã đặt tay lên đầu tôi và nói các lời chúc lành thường lệ. Bà bảo, “Bạn thật trông như người mất hồn!” Ý tôi chẳng muốn nói ra: “A! Tôi ớn sợ các đồng bào của bà ở đây lắm. Tôi sợ bị cướp giựt.” Thay vì như vậy, tôi đã nói: “A! Tôi phải đem đổi hết số tiền. Thật nhiều giấy bạc quá, nên tôi lo lắng khi mang tiền mặt nhiều như vầy.”

Tôi đặt bao tải xuống, mở ra và đổ đầy lên sàn nhà. Cảnh tượng lúc ấy giống như trong phim chiếu bóng, từng chồng, từng chồng giấy bạc ru pi khắp cả gian phòng. Bà chẳng chớp mắt nhìn, chẳng có chút chi tỏ ra hân hoan hay khích động. Bà lặng lẽ đẩy các chồng giấy bạc xuống dưới gầm giường, rồi lấy tấm vải phủ lên trên.

Tôi thắc mắc ngẫm nghĩ, “Ðể dưới gầm giường à? Bốn mươi lăm ngàn ru pi — ai lại đem dấu dưới gầm giường một số bạc to tát như vậy? Sao lại chẳng tìm một nơi nào an toàn hơn để khỏi bị đánh cắp? Rồi làm sao mua nhà mới? Thôi hãy bàn về vụ nhà cửa!.”

Bà chẳng nói đến tiếng nào về ngôi nhà và số tiền dành để mua. Thay vào việc đó, bà lại tỏ ra lo lắng cho tôi. Bà bảo, “Nầy anh bạn, bạn nên trầm tĩnh lại. Bạn đừng quá xao xuyến như vầy.” Rồi bà quay lại bảo Dipa: “Chúng ta phải mời khách dùng cơm chớ!”

Dọc đường ra về, tôi nghĩ có lẽ nên nói với Dipa về số bạc. “Mẹ chị để hết số bạc dưới gầm giường. Tôi lo chẳng được an toàn đấy. Chị nên mang gởi ở ngân hàng.”

Dipa cười to: “Ồ! Gởi nhà băng đâu có an toàn. Nhưng ở đây, an toàn hơn.”

Tôi định phản đối, nhưng rồi tôi nghĩ ra, vấn đề ngay tự lúc ban sơ, chính là do tôi. Tôi chẳng phải chỉ là một công cụ giản dị để chuyển đạt lòng hảo tâm của những người khác, tôi còn muốn xem đó như là “của tôi”. Tôi đã biến việc đó ra thành một đại sự, bằng cách bơm chích vào đó chút ý tưởng “mình là người quan trọng”. Ngay cả khi tôi đã trao số bạc cho mẹ con bà rồi, tôi cũng còn chưa muốn buông xả nó. Chỉ khi Dipa bảo, “Ðừng quá lo, sẽ được an toàn mà!”, tôi mới bừng tỉnh mà nói được lên: ” O.K., bây giờ là của chị đó.”

Tôi chẳng hỏi thêm câu nào nữa, và cũng chẳng còn nghĩ đến lần thứ hai về số bạc hay về ngôi nhà. Khi tôi rời chung cư nơi họ ở, tôi cảm thấy được cởi nhẹ một gánh nặng. Trên thực tế, tôi chẳng hề được biết họ có xây cất ngôi nhà hay không. Và chính bây giờ là lần thứ nhứt mà tôi nghĩ đến việc ấy, sau mười lăm năm. — Steven Schwartz

Bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Scroll to Top