Chương 10: Thích nữ vô úy

“Tôi có thể làm được những gì đàn ông có thể làm.”

Dầu là một người goá phụ đơn chiếc với con thơ, cố gắng noi theo con đường đạo pháp trong giới hạn của một xã hội phụ hệ của Ấn độ và một hệ thống giáo phẩm nặng về tôn ti của Phật giáo, Dipa Ma chẳng hề ngờ vực việc bà sẽ đạt được đến mục tiêu cao nhứt. Trong khung cảnh thời gian và không gian đó, chưa hề có cái việc gọi là “giải phóng phụ nữ”, Dipa Ma đã giản dị tự giải thoát lấy mình. Như bà thường nói: “Con gái của Ðức Phật chẳng hề sợ hãi” (Thích nữ vô uý).

Trước khi Dipa Ma bắt đầu tập luyện về Thiền, bà là người đàn bà hay lo âu, sống nương tựa vào người khác. Có biết đến tiểu sử và căn bản văn hoá của bà — lấy chồng từ thuở mười hai tuổi, sống cô lập trong nhà bên chồng, tuyệt đối phục tùng chồng — mới thấy kinh ngạc nhìn thấy bà trở nên một nhà tư tưởng cấp tiến về nhơn sanh và tôn giáo. Thí dụ như, bà đòi hỏi con gái bà là Dipa phải học đến cấp đại học và sau nầy bà ủng hộ việc Dipa ly hôn với chồng cô.

Dipa nhìn nhận những sự khó khăn của các người đàn bà chung quanh bà, nhưng bà nhấn mạnh rằng họ cũng có thể noi theo con đường đạo pháp để được giải thoát. “Khi bạn đã sanh ra trong cõi đời nầy”, bà bảo học viên Pritimoyee Barua của bà, “Bạn phải đối đầu với bao nỗi khổ sở, nhứt là khi bạn là đàn bà. Ðời sống của người phụ nữ rất khó khăn. Nhưng bạn chẳng cần phải lo lắng về điểm nầy. Bạn phải luôn luôn giữ vững sự tu tập của bạn. Bạn chẳng phải quá lo lắng vì còn phải săn sóc chồng bạn và các con. Khi bạn đã vào trong chánh pháp rồi, tất cả mọi việc đều xảy ra xuyên qua chánh pháp. Mọi sự việc đều được giải quyết thông qua chánh pháp.” Ngoài việc cố vấn về tâm linh, Dipa Ma còn cống hiến những lời khuyến nhũ thực tiễn cho những người phụ nữ tìm đến bà. Một bà nội trợ ở Calcutta nói, “Bà “giảng luân lý” cho tôi: Bạn chẳng nên nghĩ rằng phụ nữ chẳng có năng lực gì. Bạn đâu phải là người thiếu tự lực. Trước hết, bạn phải có học vấn, kế đến, bạn phải ra làm việc. Nếu bạn cẩn thận lo toan về điều kiện kinh tế của bạn, rồi thì bạn sẽ sống tự lập.”

Nhưng phần lớn là Dipa Ma giúp sức mạnh thêm cho kẻ khác bằng chính tấm gương bản thân của bà. Bà vị nữ thiền sư trong truyền thống tu viện gần như dành riêng cho nam giới và là vị nữ thiền sư Á châu đầu tiên được thỉnh sang giảng tại Mỹ quốc. Bà chẳng hề xem quá trọng các thành tích đó, nhưng tấm gương cương dũng của bà đã làm nguồn hứng khởi và khích lệ cho giới phụ nữ ở bất cứ nền văn hoá nào.

Thách thức truyền thống. – Một hôm, chúng tôi đang ngồi trên sàn nhà trong phòng của Dipa Ma. Ðông người lắm và cũng nóng nực lắm. Thiền sư Munindra đang ngồi trên ghế trong góc, giảng pháp cho các học viên của Dipa Ma và nói về cách thực tập của họ. Ông ấy và tôi là hai người đàn ông duy nhứt trong phòng. Trong khi ông đang nói, Dipa Ma ngồi trên chiếc giường gỗ của bà, dựa lưng vào vách, mắt nhắm. Thoạt nhìn qua cứ tưởng là bà đang lim dim ngủ. Mấy ngày nay, bà chẳng được khoẻ lắm, và chẳng thấy ai để ý đến.

Ðề tài của cuộc thảo luận là tái sanh. Câu chuyện đưa đẩy thế nào mà rồi lại bàn đến việc tái sanh của Ðức Phật. Hiển nhiên, chẳng phải suy nghĩ nhiều, bởi vì việc đó là một phần trong truyền thuyết. Munindra lại buột miệng nói rằng, chỉ có đàn ông mới thành Phật được; muốn thành Phật, phải tái sanh vào thân thể đàn ông (căn cứ theo các lời chú giải về sau, chớ chẳng dựa theo các bản văn kinh nguyên thủy). Thình lình, Dipa Ma đứng phắt dậy, mắt mở to, và nói với một giọng tự nhiên và đầy vẻ xác tín, “Tôi có thể làm bất cứ gì đàn ông có thể làm”. Phản ứng của chúng tôi cũng lại tự nhiên như thế: chúng tôi đều phá lên cười, kể cả thiền sư Munindra. Tôi nghĩ, tất cả chúng tôi đều biết lời Dipa Ma nói là tuyệt đối đúng sự thật. — Jack Engler

Tình cảm chẳng là chướng ngại. – Khi Dipa nói rằng, “Phụ nữ có thể đi sâu và nhanh vào việc thực tập thiền hơn nam giới, là bởi vì tâm trí chúng ta mềm dịu hơn”, tôi rất ngạc nhiên. Sự mềm dịu đó mang đến nhiều tình cảm, nhiều chuyển động trong tâm hơn. Nhiều người đàn bà nghĩ rằng tình cảm là chướng ngại, nhưng Dipa Ma lại bảo, “Khuynh hướng của phụ nữ nghiêng nhiều về tình cảm, điều đó chẳng làm chướng ngại cho việc tu tập thiền.” Bà khuyên chúng tôi. “Chỉ cần theo dõi các tình cảm và đừng đồng hoá. Gia tăng sự ghi nhận bằng chánh niệm và định lực.” — Michelle Levey

Khả ái và quyền lực. – Nơi bà là một sự hoà hợp của khả ái và quyền lực. Bà là một người đàn bà rất thâm thúy và có uy tín thật lớn, sự kiện đó là cả một việc trọng đại. Bà đâu mang một hình tướng nào mà bạn có thể xem đó như người sẽ lãnh đạo bạn. Bà chẳng cao đến thước tám, trong trang phục uy nghiêm. Bà thật nhỏ người, gầy gò. Nhưng bà đã khiến ta ngất ngây cảm phục, bởi vì bà làm được như thế, bởi vì bà đã vượt khỏi xa bất cứ việc gì. Và điều nầy lại có nghĩa là tôi cũng có thể làm được như thế nữa. — Kate Wheeler

Ngọn hải đăng. – Vào thời tôi gặp được bà, chung quanh chỉ thấy có những nam thần tượng, những nam thiền sư, những vị Phật thuộc nam giới. Gặp được một người nội trợ sống đơn chiếc với con gái và đứa cháu ngoại trai, mà đã được chứng ngộ xong, thật là một điều thật cao sâu mà tôi chẳng biết dùng lời nói nào để diễn tả. Bà là hiện thân của những điều gì mà tôi đã mong muốn thật sâu xa. Mặc dầu tôi đã đi khá xa trên con đường tu tập khi tôi được gặp bà, nhưng bà đã cho tôi thấy rằng sự giải thoát là điều có thể đạt đến được. Vì bà đã giản dị đạt được sự giải thoát. Ðó đâu phải chỉ là một tư tưởng về kiến thức. Ðối với tôi, là người nội trợ mà nhìn thấy bà cũng là một người nội trợ, tôi liền nghĩ ngay rằng, “Bà đã làm được, thì tôi đây, tôi cũng làm được chớ!” Bà như một ngọn hải đăng… chiếu rọi ánh sáng mà tôi cố hướng về đó, mỗi khi tôi thấy cần có thêm dũng cảm để tiếp tục tiến bước trên con đường đạo pháp. — Michelle McDonald Smith

Ðủ rồi. – Từ Cali (California) tới đấy, tôi mang trong đầu hình ảnh của một người đàn bà “cân quắc anh hào” (dịch gượng chữ amazon) là đang nhảy phóc lên chiếc xe hơi cam nhông tay xách một cây cưa máy và dấn bước giang hồ. Nhưng quyền năng của Dipa Ma lại chính là năng lực mạnh mẽ làm xúc động đến tâm người. Tôi có cảm tưởng là hoàn toàn được bà biết rõ hết. Và tuy tôi chẳng dấu diếm chi hoăc tự hỗ thẹn gì, bời vì tôi tự cảm thấy đã được hoàn toàn hiểu biết đến, đồng thời lại được hoàn toàn thương mến nữa. Tôi còn nhớ, trong một bức thơ viết cho các bạn bên nhà, sau khi tôi được thể nghiệm tình thương ấy, bảo họ rằng, nếu con đường đạo pháp tôi đang đi chấm dứt ở điểm nầy thì kể cũng đã đủ lắm. Ðược tiếp cận với tình thương sâu đậm đó cũng đủ rồi. — Ajahn Thanasanti

Vẫn còn hi vọng cho đàn ông. – Có một lần, Dipa Ma nói “Phụ nữ có ưu điểm hơn đàn ông ở chỗ tâm tư của họ mềm dịu hơn… Khó cho đàn ông hiểu được điểm đó, cũng chỉ bởi vì họ là đàn ông.” Tôi liền hỏi bà, “Thế thì có hi vọng gì cho đàn ông chúng tôi không?” Bà đáp, “Ðức Phật Thích ca trước là đàn ông, và Ðức Chúa Jesus cũng là đàn ông. Vậy, vẫn còn hi vọng cho đàn ông chớ.” — Joseph Goldstein

Khảo cứu với Dipa Ma và các bà nội trợ ở Calcutta. – Sau một năm thâm luyện thiền quán với thiền sư Munindra, tôi đến trình với người về công cuộc khảo cứu của tôi để hoàn thành luận án tiến sĩ về tiến trình và kết quả của sự thưc tập Thiền Minh sát. Một phần vụ trong cuộc khảo cứu nầy là sự cố gắng để xác định giá trị các bản tường trình cổ điển và cận đại về các sự chuyển hoá xảy ra sau khi được giác ngộ và giải thoát. Tìm ra được đề mục chẳng phải là chuyện dễ, bởi vì nó đòi hỏi phải tìm ra thật đúng những người đã chứng đắc được ít nhứt là giai đoạn đầu của sự chứng ngộ, và được sự cộng tác của các người ấy. Ðối với một vị thiền sư theo truyền thống Ấn độ, điều thỉnh cầu đó chẳng được đúng theo chánh thống, và Munindra còn đang do dự. Sau nhiều cuộc thảo luận, cuối cùng ông đồng ý đưa tôi đi Calcutta và giới thiệu cho tôi vài người trong số đệ tử tiến bộ nhứt của ông. Chủ chốt trong nhóm người nầy chính là Dipa Ma, tuy ngay tự buổi đầu bà đã tỏ ra nghi ngờ. Tuy nhiên sau rồi, bà cũng giới thiệu tôi với một số học viên của bà, và bà cũng tình nguyện giúp, bà và con gái bà là Dipa nữa. Chính thiền sư Munindra rồi cũng đồng ý tham gia.

Về công cuộc khảo cứu, Dipa Ma đã mời đến các người đàn bà trung niên hay lớn tuổi hơn nữa. Tưởng cũng cần ghi nhớ là theo tục lệ Ấn độ, người đàn bà chẳng đi ra ngoài một mình, các bà đó đều thuộc về thế hệ văn hóa cổ, chỉ trừ một người, và họ đều rất bận rộn suốt ngày với trách nhiệm dọn dẹp nhà cửa, săn sóc chồng con trong đại gia đình đông người ở xã hội Ấn độ. Lời điều trần mà tôi nghe được, giống nhau gần như phổ quát, là phụ nữ thiền giỏi hơn đàn ông. Tôi chẳng bao giờ hiểu thấu tận đáy của vấn đề nầy. Tôi hỏi lại Dipa Ma, nhứt là có phải đàn bà có khuynh hướng đi xa trong việc tu tập hơn đàn ông chăng. Tôi có nghe các vị Hoà thượng (Sayadaw) bên Miến điện nóí như thế, và cả các vị sư Ấn độ nữa. Dipa Ma giản dị đáp là thiền sanh đàn ông chứng đắc đạo quả cũng nhiều như đàn bà vậy, nhưng họ chẳng rảnh ban ngày để mời tới đây cho tôi phỏng vấn và trắc nghiệm.

Hơn sáu tháng trời năm 1977, căn phòng nhỏ hẹp của Dipa Ma là trung tâm khảo cứu cho cuộc phỏng vấn cặn kẽ và trắc nghiệm tâm lý về các hành giả có tiến bộ của Phật giáo. Phần lớn các cuộc phỏng vấn đó được diễn ra trong mùa nóng nực. Nếu bạn đã sống qua mùa hè ở vùng nhiệt đới giữa cảnh ngột ngạt, nóng bỏng da, thì bạn có thể tưởng tượng đến các điều kiện sanh sống trong một thành phố như Calcutta nầy và ảnh hưởng của thời tiết đến mội trường nhơn sanh ở đấy. Ðiện lực cứ đều đều bị cắt đứt ngay trong những giờ mà cái nóng lên cao nhứt vào buổi xế trưa và chiều — những giờ “cúp điện” nổi tiếng của Calcutta — để tiết kiệm điện năng cho thành phố. Nếu chúng tôi cố gắng nổi để bắt đầu làm việc — đôi khi sức nóng đã khiến vô phương tiếp tục nổi — thường thường thì chúng tôi phải ngưng luôn, trong bóng tối, mình ướt đẫm mồ hôi. Nếu ban sáng có được xe cộ chuyên chở hành khách đi vào khu xóm chợ cũ, thì cũng chưa chắc còn có xe cộ chở bạn ra về vào ban đêm. Khi mùa mưa của khí hậu gió mùa đến, nhiều hôm tôi đến gần khu xóm của Dipa Ma mà chẳng thể đi đến tận nhà bà được. Trọn con đường trước nhà bà ngập nước đến đầu gối, và tôi phải kêu một chiếc xe lôi, để bơi lội trên mặt nước mà vào nhà bà cách đó chừng vài dãy phố. Tuy vậy mà các học viên của Dipa Ma luôn luôn đến sẵn trước để chờ tôi.

Thủ tục trắc nghiệm về Dipa Ma, nhứt là các lời giải đáp của bà trước các câu hỏi trong hệ thống Rorschach, thật là phi thường chưa có vị khảo cứu gia nào đã từng thấy. Hệ thống trắc nghiệm Rorschach đo lường chẳng những nhân cách mà còn về tri giác, đã được mô tả là phản ảnh được sự “thực tế tự tạo nên”(self created reality). Trong trường hợp của Dipa Ma, kết quả của trắc nghiệm Rorschach đã xác nhận rằng bà đã trải qua một sự tái cấu trúc giữa tình cảm và trí năng thật sâu xa và một sự hội nhập toàn vẹn giữa tâm lý với giai tầng cao thâm nhứt của sự giác ngộ. Trong số các việc lạ khác nữa, hãy kể việc bà đã an nhiên và thoăn thoắt đan kết mỗi lời giải đáp liên tiếp xuyên qua toàn bộ các phiếu câu hỏi vào trong một bản tường thuật có mạch lạc để lộ rõ đại cương Giáo pháp, trọn cả việc đó chẳng hề một lần vi phạm vào hình thức đúng đắn của sự tri giắc về mỗi phiếu — đấy là một thành tích mà chẳng có vị khảo cứu gia nào đã từng được chứng kiến. (Bản tường trình Thiền Minh sát II, trích trong quyển Sự Chuyển Hoá Của Ý Thức, Ken Wilber, Jack Engler và Daniel Brown, Boston: Shambhala, 1986). — Jack Engler

Bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Scroll to Top