Thuyền ghé bến Vũ Xá. Tay nải trên vai, Thị Ngọc theo mọi người lên bến. Thuyền rời bến từ chiều ngày hôm qua; cả đêm Ngọc đã phải ngủ ngồi trong khoang, như tất cả mọi người. Trời ban mai thật mát, Ngọc dự tính sẽ không nghỉ dọc dường. Từ đây đến làng Hổ Sơn đi bộ cũng gần hết cả buổi sáng. Ngọc muốn khi trời bắt đầu nắng thì nàng đã tới được chùa Nộn Sơn trên núi Hổ để được ngồi dưới những hàng cây im mát trước chùa, Ngọc thấy hăng hái thêm lên. Đây không biết là lần thứ mấy Ngọc về thăm Ni Sư Hương Tràng. Mỗi chuyến đi như vậy ít nhất là mất ba ngày. Chuyến đi chậm lắm. Lần này nàng xin phép quan Tư đồ Văn Huệ Vương được năm ngày vì có lễ Phật Đản.
Khu chợ trước bến đã họp, tuy người bán còn đông hơn người mua. Băng qua chợ, Ngọc đi vào con đường làng. Nàng gặp nhiều người trên con đường vào chợ. Đi hết con đường ngang qua đình làng, nàng rẽ vào con đường lúa. Lúa vụ Chiêm xanh mơn mởn. Hương lúa và hương buổi sáng thơm ngát. Ngọc hít một hơi dài và cảm thấy khỏe khắn. Ngọc đã quen đường về huyện Thiên Bản nên không cần phải dừng lại để định hướng. Nàng đi thoăn thắt. Thỉnh thoảng nàng lại đổi tay nải sang vai khác.
Trong tay nải của nàng chỉ có hai thỏi mực tàu, một ngọn bút ô long, mười bốn ngọn bút thường, năm trăm giấy và một ít bánh trái mà nàng mua được chiều hôm qua trước khi xuống thuyền. Mực, giấy và bút là để cho Ni Sư Hương Tràng, còn bánh trái là để cúng chùa. Ngọc đã mua toàn bánh chay, bởi vì hôm nay là ngày mồng năm tháng tư, ở kinh đô người ta làm bánh chay để bán nhiều lắm. Ni Sư Hương Tràng có dặn nàng kỳ này lên thì mua cho Ni Sư một giấy để đóng quyển cho bọn học trò nhỏ của Ni Sư. Năm trăm giấy chắc là tạm đủ. Chiều hôm qua Ngọc ghé quán sách của Thị Khanh ở đầu phố Trường Thi, và Khanh đã gưỉ biếu chùa Nộn Sơn số giấy ấy, còn mực và bút thì Khanh gửi biếu riêng Ni Sư Hương Tràng. Khanh đã có chồng, không thể bỏ nhà để cùng với Ngọc đi thăm Ni Sư được.
“Hy vọng anh chàng sẽ may mắn hơn vào khóa Quý Sửu”, Ngọc nói một mình. Nàng nghĩ tới Vận, chồng của Khanh. Khanh lấy chồng từ năm Mậu Thân, nghĩa là bốn năm về trước. Vận hồi đó đã là học sinh đại tập. Khoa Canh Tuất, anh chàng thi hỏng. Khanh mở cửa hàng bán bút chỉ và sách vở học trò tại phố Trường Thi, tiếp tục nuôi chồng ăn học. Vận muốn giúp đỡ vợ nên mở lớp dạy học, thì giờ còn lại, Vận ôn tập bài vở chờ khoa sau. Một năm sau hai người sinh được một cô bé đặt tên là Thúy. Vợ chồng Ngọc đã đem cháu bé về trình điện với Ni Sư Hương Tràng một lần. Từ đó, mỗi lần về núi Hổ Sơn, Ngọc thường ghé hàng sách của Khanh để rủ nàng, nhưng Khanh bận rộn quá, không đi với nàng được lần nào nữa cả.
Ngọc nhìn xuống chiếc áo nàng đang mặc và đôi guốc nàng đang đi. Ăn mặc thế này mà về dưới ấy thế nào cũng bị Ni Sư quở. Ni Sư đã dặn là về chùa thì nên ăn mặc cho đơn giản. Cái áo này và đôi guốc này dã là những vật đơn giản nhất của nàng rồi, nhưng mà về tới đây, Ngọc mới thấy là chúng không được đơn giản như ý mình muốn. Nàng không thể cải dạng làm một cô gái quê. Từ năm mười hai tuổi nàng đã làm thị nữ trong cung. Hồi ở Chiêm về nàng cũng còn ở lại trong cung để hầu hạ hoàng hậu Bảo Từ mấy tháng, sau đó mới được ra làm gia nhân cho quan Tư đồ Văn Huệ Vương. Nàng đã được công chúa Huyền Trân gửi gắm cho quan Tư đồ. Quan Tư đồ Văn Huệ Vương là một người nổi tiếng về văn học. Ông là một người vừa có kiến thức, vừa có độ lượng. Ông đã hứa với công chúa là sẽ coi Ngọc như con ông và sẽ lo liệu việc gia thất sau này cho Ngọc.
Ngày công chúa xuất gia tại cùa Vũ Ninh để thành Ni Sư Hương Tràng, Ngọc cũng muốn đi tu để được gần gũi công chúa, nhưng công chúa không cho. Công chúa xuất gia và thọ Bồ Tát giới vào ngày Tết Nguyên Đán năm Kỷ Dậu, nghĩa là chỉ sau ba tháng sau ngày từ Chiêm Thành về. Công chúa xuất gia như vậy là đã được hơn ba năm. Suốt ba năm trời, lần nào về thăm Ni Sư Hương Tràng, Ngọc cũng khẩn khoản xin Ni Sư cho Ngọc được xuất gia để được sớm hôm gần gũi Ni Sư, nhưng Ni Sư đã nói với Ngọc rằng xuất gia không phải là để được gần gũi một người khác mà là để lo việc độ mình và độ người. Ni Sư có nói là Ni Sư chỉ khuyên Ngọc không nên xuất gia chứ Ni Sư không hề cấm Ngọc xuất gia.
– Em có thể xuất gia nếu em muốn, nhưng chị sẽ không cho em ở cùng chùa với chị. Người ta xuất gia là để phát túc siêu phương, chứ không phải để thân cận và hầu hạ một người khác, dù đó là người mình yêu kính nhất.
Ngọc tự biết mình không thuộc về hạng người thông minh nhất đời, nhưng lâu ngày nàng cũng nhận ra được lời nói của Ni Sư là đúng. Từ mười hai tuổi Ngọc đã được hầu hạ và thân cận công chúa và đã quen lấy nổi vui của công chúa làm nỗi vui của mình, đã quen lấy niềm lo của công chúa làm niềm lo của mình. Được công chúa cho đi theo về Chiêm, Ngọc đã vui mừng hết sức. Trong khi Khanh xin hồi hương để lấy chồng thì Ngọc lại bằng lòng ở luôn bên Chiêm, sẵn sàng lấy chồng Chiêm để có thể được gần gũi công chúa, và cũng là để làm cho giống công chúa. Ngọc đã lo sợ và đau khổ theo với công chúa trong thời gian công chúa hoài thai Dayada. Nàng đã từng xin công chúa cho nàng lên đàn hỏa một lần với công chúa. Ngọc nhớ lần đó công chúa đã giận dữ mắng nàng. Đây là lần đầu tiên Ngọc bị bà quở phạt nên Ngọc rất sợ hãi. Về tới Đại Việt. Ngọc những tưởng sẽ được theo hầu công chúa suốt đời. Ai ngờ chỉ mấy tháng sau, công chúa đi tu. Lần đầu tiên Ngọc xin công chúa đi tu, công chúa đã bảo là không nên:
– Em hãy về nương náu dưới cửa quan Tư đồ Văn Huệ Vương. Chị sẽ gửi gắm em cho quan Tư đồ. Ngài là một người có nhân đức lớn, rồi em hãy nghĩ đến chuyện chồng con. Đừng nghĩ đến chuyện đi tu. Không phải ai cũng đi tu được đâu.
Từ hôm đi thăm Thượng hoàng trên núi Yên Tử về, công chúa không cho Ngọc gọi công chúa là “lệnh bà ” nữa, và bắt Ngọc gọi bà là chị. Ban đầu Ngọc không chịu, bởi vì nàng thấy xưng hô chị em với công chúa rất khó, nhưng sau khi nghe công chúa kể chuyện chú điệu Pháp Đăng và thấy thái độ cương quyết của công chúa. Ngọc phải cúi đầu tuân lệnh. Tuy vậy nàng phải tập cả tháng mới sử dụng được hai tiếng “chị” và “em”. Không ngờ hai tiếng ấy mà lại khó nói đến thế.
Lần này về chùa Nộn Sơn, Ngọc sẽ báo tin cho Ni Sư Hương Tràng biết là đến tháng mười năm nay nàng sẽ đi lấy chồng. Quan Tư đồ đã hứa gã nàng cho tú tài Phạm Hữu Sinh ở huyện Nam Sách tỉnh hải Đường. Nàng đã được thấy mặt Sinh tại nhà quan Tư đồ. Sinh đỗ tú tài khoa Mậu Thân, tuổi chưa tới ba mươi. Quan Tư đồ nói về Ngọc rằng Phạm Hữu Sinh một người có tương lai. Ngài đã gặp Sinh trong chuyến thăm Yên Sinh năm ngoái, Ngọc là con mồ côi nên quan Tư đồ coi nàng như là con, ông đã nhận sính lễ của họ Phạm vào ngày Thượng nguyên năm nay. Những lần về viếng thăm chùa Nộn Sơn. Ngọc thường đem tin tức kinh kỳ cho Ni Sư Hương Tràng. Tuy vậy Ni Sư chỉ muốn biết tình hình chính sự và sức khỏe của mọi người thôi chứ không bao giờ muốn nghe những chuyện thị phi trong triều. Biết tính của Ni Sư Hương Tràng, Ngọc không dám đem những chuyện ấy kể cho Ni Sư nghe nữa. Nhưng mà hàng ngày Ngọc được nghe nhiều quá; nàng có cảm tưởng là nếu không thổ lộ được với ai thì nàng ngột ngạt đến chết mất, vì vậy mà hễ khi nào có dịp là Ngọc ghé hàng của Khanh để tâm sự. Tánh Ngọc thì ưa nói, mà Khanh lại là người có thể ngồi nghe hàng giờ không biết chán, cho nên Ngọc rất ưa đến thăm Khanh.
Một điều mà Ngọc không hiểu được, hoặc chưa hiểu được, là từ ngày công chúa Huyền Trân về nước, Ngọc nhận thấy bà như là trẻ lại. Ngọc nhớ là từ ngày sứ Chiêm qua dâng lễ hỏi cho đến suốt thời gian ở cung điện nước Chàm, tuy rằng thỉnh thoảng công chúa có cười có nói, có vui có đùa, nhưng thực ra cuộc sống lúc nào cũng như bị bao bọc hoặc vương vấn trong một bầu không khí nghiêm cẩn và lo lắng. Công chúa đã được Thượng hoàng đưa đi viếng thăm kháp nơi trên núi Yên Tử bảy hôm. Ngày lên đón bà ở chùa Long Động, Ngọc thấy bà tươi vui như một đứa trẻ con. Công chúa như đã tái sinh trong một kiếp khác. Ngọc Thấy như Thượng hoàng đã hóa phép cho công chúa đầu thai lại trong một kiếp khác. Đúng là nàng công chúa trẻ năm xưa trong cung cấm đó, nhưng bây giờ công chúa chín chắn hơn, dịu dàng hơn và cũng độ lượng hơn. Mỗi khi Ngọc nhắc tới vua Chế mân và Thế tử Chế Đa Gia, công chúa không còn tỏ vẻ sầu não khóc thương nữa. Không phải là bà muốn quên. Bà vẫn nhớ và vẫn thường nhắc đến vua Chàm và Thế tử Chế Đa Gia, nhưng trong giọng bà, Ngọc cảm thấy có một niềm tin, như là vua vẫn còn đó và Thế tử vẫn còn đó, ngay bên cạnh bà.
Tuy vậy, Ngọc chưa bao giờ thấy công chúa buồn như hôm bà nghe tin Thượng hoàng băng trên am Ngọa Vân ở núi Yên Tử. Ngọc còn nhớ đó là ngày mồng ba tháng mười một năm Mậu Thân. Trúc Lâm đại sĩ thị tịch vào nửa đêm ngày mồng một. Trưa hôm sau chùa Báo Ân nhận được tin dữ, và chùa Báo ân cho người đưa tin vào cho hoàng đế Anh Tông. Lúc ấy, Ngọc đang ở bên chùa Tư Phúc với công chúa. Vua Anh Tông cho triệu công chúa về. Khi nghe tin Thượng hoàng viên tịch, công chúa đã vào tẩm điện một mình và đóng cửa lại. Một ngày một đêm công chúa không ra khỏi tẩm điện. Điều làm Ngọc công chúa không ra khỏi tẩm điện. Điều làm Ngọc ngạc nhiên hết sức là công chúa không muốn lên núi Yên Tử để nhìn mặt Thượng hoàng một lần chót, dù hoàng đế Anh Tông đã cho người triệu mời. Cả nước bàng hoàng thương tiếc khi nghe tin Thượng hoàng mất. Cả nước như cảm thấy mồ côi. Ngọc nghe nói là Sơn Môn Yên Tử đang tổ chức lễ trà tỳ đưa nhục thân Thượng hoàng lên đàn hỏa. Người thống lãnh sơn môn Yên Tử là đại sư Pháp Loa đứng ra chủ trương hỏa đàn. Ngọc không được lên dự lễ trà tỳ nhưng Ngọc nghe nói là số người lên núi dự hỏa đàn đông có tới hàng vạn. Khắp nước, toàn dân để tang. Trong suốt mười lăm hôm, chùa nào trong xứ cũng đêm ngày giộng chuông cầu nguyện. Công chúa vẫn không chịu lên núi dự hỏa đàn. Bà quỳ suốt ngày trong chánh điện chùa Tư Phúc cho đến khi tháp đựng xá lợi của Thượng hoàng được rước từ núi Yên Tử về chùa. Chưa đầy một tháng sau đó, công chúa xuất gia.
Công chúa được xuất gia tại chùa Vũ Ninh và Quốc sư Bảo phác đã đứng ra làm lễ truyền giới cho bà. Thầy Bảo phác là một trong những cao đệ của Thượng hoàng, hồi đó chưa được triều đình suy tôn làm quốc sư. Ngay sau khi thọ giới, Hương Tràng được nhập chúng tại chùa Vũ Ninh để theo học Phật pháp cùng với một số các vị Ni sư trẻ tuổi khác. Quốc sư Bảo Pháp đích thân đứng ra giảng dạy. Tháng mười năm Kỷ Dậu, bà được Quốc sư ủy về trú trì chùa Hổ Sơn ở huyện Thiên Bản. Chùa tọa lạc trên một hòn núi đá thuộc xã Hổ Sơn ở tỉnh Nam Định, cách phủ Thiên Trường khoảng nửa ngày đường. Từ kinh thành Thăng Long muốn về thăm Ni Sư, Ngọc phải đi thuyền xuôi sông Nhị Hà và đến quận Mỹ Lý thì lên bến Vũ Xá. Từ bến Vũ Xá, nàng đi bộ một hồi rồi tới ra đường cái dẫn về huyện lỵ Thiên Bản.
Lần đầu tới núi Hổ Sơn, Ngọc đã gặp bé Tuất dươi chân núi và con bé này đã đưa nàng lên chùa. Hồi đó Tuất mới chín tuổi, năm nay nó đã lên mười một. Nó là con gái của bác Trực, người cày ruộng cho chùa, nhà ở ngay dưới chân núi. Tuất là một trong những đứa học trò đến học hàng ngày trên chùa Hổ Sơn. Trong khi Ngọc ngồi chờ ở khách đường, Tuất đi vào tăng đường sát ngay một bên để báo cho Ni Sư Hương Tràng biết là có khách. Ngọc nghe tiếng Hương Tràng hỏi nhỏ: “Khách nào vậy con?” và giọng trẻ thơ của Tuất trả lời: “Thưa Ni Sư con không biết, cô ấy mặc áo đẹp lắm”. Ngọc không nhịn được cười.
Hôm ấy Ngọc mặc áo đẹp thật. Ở nhà quê không có ai ăn mặc như thế. Ni Sư Hương Tràng đi ra. Trông thấy Ngọc, Ni Sư mừng rỡ. Hai chị em nói chuyện hồi lâu thì tới giờ công phu. Ngọc theo đại chúng lên chánh điện. Có tất cả bốn vị Ni Sư, vị lớn nhất chừng bốn mươi tuổi; sau này Ngọc được biết bà pháp danh là Tĩnh Quang. Ni Sư Hương Tràng đã nhường chức tự trưởng cho bà. Ni Sư Hương Tràng năm ấy vừa mới hai mươi hai tuổi. Hai vị kia trẻ hơn, một cô khoảng hai mươi mốt và một cô khoảng mười bảy tuổi. Sau này Ngọc biết có thể lớn pháp danh là Đàm Thái còn cô nhỏ pháp danh Hương Nghiêm. Hai vị này, cũng như Ni Sư Hương Tràng, đã từng được học Phật pháp với quốc sư Bảo Phác tại núi Vũ Ninh.
Tối hôm đó, Ngọc ngủ lại chùa. Ni Sư Hương Tràng cười bảo nàng lần sau tới chùa thì hãy nên ăn mặc đơn giản hơn bởi vì ở đây chỉ là một ngôi chùa miền quê. Ngọc nhìn cách phục sức của mình rồi nhìn qua cách phục sức của Ni Sư. Ai mà nhận ra được rằng người ngồi bên kia đã từng là một cô công chúa và là một bà hoàng hậu? Chiếc áo nâu thẫm mầu của Ni Sư là một chiếc áo may bằng vải thô sơ. Đôi dép cỏ kia cũng chỉ được dùng trong tăng phòng. Sau này Ngọc biết là ngoài vườn ươm, Ni Sư cũng đi chân đất như mọi người. Bà đã biết cầm cuốc, cuốc đất làm cỏ, gieo hạt, bỏ phân và săn sóc vườn ương. Cô đệ tử tí hon của bà, bé Tuất, đã dạy bà làm được nhiều chuyện. Có lần cầm lấy bàn tay của Ni Sư, Ngọc thấy bàn tay đó không còn mềm nhũn như bàn tay của mình. Có những nơi chai cứng vì bàn tay đã biết chấp tác ngoài vườn ngoài ruộng. Trên đầu, Ni Sư cũng chít một chiếc khăn nâu như mọi Ni Sư khác. Bà còn trẻ lắm, dung quang tuy vẫn tươi mát không khác ngày xưa, nhưng phong thái của bà thật khác. Dấu vết của quyền quý đã hoàn toàn bị gột sạch. Bà đơn giản như một cây cau và lành mạnh như một tàu lá chuối mới. Trong những lần viếng thăm trước, Ngọc nhận thấy rằng công việc chùa dù có bề bộn đến mấy, Ni Sư Hương Tràng vẫn giữa được vẻ thung dung không bao giờ để mất niềm vui và nụ cười. “Miễn được lòng rỗi, chẳng còn phép khác”, Ni Sư thường nhắc đến tám chữ ấy, nói là lời dạy của Thượng hoàng Trúc Lâm đại sĩ. Ngọc chẳng hiểu gì, nàng lấy làm lạ khi thấy Ni Sư làm đủ mọi thứ việc mà vẫn có thời gian để tâm săn sóc cho mọi người, kể cả những đứa bé ốm đau dưới xóm. Chùa chỉ có ba mẫu ruộng, lúa gặt chỉ tạm đủ ăn cho chùa cho gia đình bác Trực. Vậy mà khi hoàng hậu Bảo Từ tỏ ý muốn cúng dường cho chùa hai mươi lăm mẫu ruộng tốt, Ni Sư đã từ chối không nhận. Uy Huệ Vương cúng mười mẫu, Ni Sư cũng từ chối. Mới đây quan sở tại huyện Thien Bản muốn cúng năm mẫu ruộng này đã gây ra một ít xáo trộn trong chùa. Ni Sư Tĩnh Quang, trú trì chùa Nộn Sơn đã từng bàn bạc với Ni Sư Hương Tràng nhiều lần về việc ruộng đất. Cũng như những giới thân cận chùa, Ni Sư trú trì nghĩ rằng nếu có thêm ruộng thì chùa sẽ làm được nhiều Phật sự, và các Ni Sư sẽ đỡ vất vả hơn, nhưng Ni Sư Hương Tràng nhất định không chịu. Chính Ngọc cũng không hiểu tại sao Ni Sư lại phụ lòng thành của các thí chủ ấy như thế. Đầu năm nay, hoàng hậu Bảo Từ đã lấy năm trăm mẫu ruộng ở quê nhà để cúng vào chùa Báo Ân. Có ruộng nhiều như thế thì các thầy mới rảnh rang để mà lo Phật sự và mới có thể phương tiện để hành đạo chứ. Ngọc biết các Ni Sư tại chùa Nộn Sơn rất cần phương tiện hành đạo. Ni Sư Hương Tràng thường phải lo thuốc men, giấy bút cho các em vào những lúc họ túng quẫn nữa. Có thêm mấy chục mẫu ruộng tốt thì tha hồ mà làm những việc đó. Ngọc nghĩ mãi mà không hiểu được ý của Ni Sư Hương Tràng. Thật ra không phải Ni Sư thù ghét gì Bảo Từ hoàng hậu và ngài Uy Huệ Vương. Trái lại Ni Sư rất có cảm tình với các vị ấy. Vậy thì tại sao Ni Sư phụ lòng họ, từ chối không nhận ruộng cho chùa? Cái vườn ương mà Ni Sư đã để thật nhiều thời gian chăm sóc có đem lại cho chùa được bao nhiêu lợi tức đâu? Trong vườn ương ấy. Ni Sư ương nhiều thứ cây như tùng, bách, hải đường, trắc bách diệp, đinh lăng, mẫu đơn, hoa giấy .. Các Ni Sư thường để thì giờ để chẻ tre đan những cái giỏ lớn bằng trái bí ngô. Những chiếc giỏ này dùng để đựng cây. Những cây tùng lớn chừng ba bốn gang tay chẳng hạn được bứng lên với cả mô đất và trồng lại trong các giỏ tre ấy. Suốt mùa thu, cứ mỗi tháng hai lần, bác Trực và bé Tuất đi thuyền chở cây lên trên kinh thành để bán. Các nhà quý phái thường đến mua cây về trồng trong vườn nhà họ. Các chùa trong vùng rất ưa trồng những loại tùng, bá và đại mộc khác. Nhiều thí chủ thường đến mua cây của vườn ương để về cúng dường cho chùa. Ni Sư Hương Tràng có vẻ cưng quý cái vườn ương của chùa hết sức. Ni Sư nâng niu từng lá cây, từng cành cây, săn sóc và chăm chút làm như mỗi cây là một vị hoàng tử không bằng. Ngọc biết khu chợ mà bác Trực thường hay chở cây đến bày bán. Nàng thường giới thiệu cho những người quen biết đến mua cây. Từ ngày Hương Tràng về trú trì chùa Nộn Sơn, Ni Sư không còn liên lạc với ai ở kinh đô. Có lẽ Ngọc là người thí chủ duy nhất của chùa từ kinh thành xuống, mà Ngọc có tiền bạc hay vật dụng gì nhiều để cúng chùa đâu. Ba bốn tháng nàng mới được về một lần, mỗi lần như thế nàng chỉ đem về cúng dường được một ít giấy mực, đèn sáp, trầm hương và bánh trái. Ni Sư không nhận lễ cúng dường của bất cứ ông hoàng bà chúa nào nhưng rất vui lòng nhận những thức mà Ngọc mang về có vẻ vui mừng nữa là khác. Điều này khiến nàng sung sướng và cảm thấy gần gũi bà công chúa năm xưa không biết chừng nào. chỉ có một điều làm Ngọc ấm ức đó là những chuyện người ta bàn tán có liên hệ tới Ni Sư Hương Tràng mà nàng không thể nào chia xẻ với Ni Sư được. Có một lần quan Tư đồ hỏi Ngọc về cuộc hành trình gian nguy của Hương Tràng từ cửa biển Thị Nại về đến kinh đô, và Ngọc đã đem hết sự thực để kể lại cho ngài nghe, từ lúc thuyền của hoàng hậu ra làm lễ rước linh vua Chế Mân ngoài khơi đến khi thuyền bị bão phải tấp vào bến để sữa chữa và sau đó là thời gian mật trú tại dinh quan Kinh Lược Châu Hóa để chờ đợi Thế tử Chế Đa Gia. Quan Tư đồ thở dài, than rằng miệng lưỡi thế gian người đời ác độc đã thêu dệt nên chuyện hoàng hậu đi lại với quan Thượng Thư Tả Bộc Xa trong suốt thời gian lênh đênh trên biển. Ngọc tức lắm, chuyện đó làm sao xảy ra được. Quan An Phủ Sứ và tất cả quan quân và thủy thủ trên thuyền đều biết rõ như vậy. Ấy thế mà người ta vẫn dựng đứng câu chuyện lên được. Quan Tư đồ dặn Ngọc đừng thuật lại những điều thị phi cho Ni Sư nghe và Ngọc phải vâng lời. Ngài lại còn nói cho Ngọc nghe nhiều chuyện khác nữa, những chuyện này cũng làm cho Ngọc bực tức không kém. Hồi công chúa mới được rước về Chiêm, trong triều ccó thể người bất mãn, Họ nói cành vàng lá ngọc ở kinh đô mà sao lại đem trao cho bọn mọi rợ trong rừng. Họ đạt ra cả những bài hát mà chế nhạo. Tiếc thay cây quế giữa rừng, để cho thằng Mán thằng Mưòng nó leo. Thật là ếch ngồi đáy giếng, chỉ xem trời bằng vung. Một nước văn minh như nước Chiêm và một ông vua giỏi như vua Chế Mân mà người ta dám cho là mọi rợ. Thật chẳng gì thái độ khinh miệt của bọn nhà Tống đối với nước Đại Việt. Người ta lại hát: Tiếc thay hạt gạo trong ngần, đã vò nước lã lại vần lửa rơm. Ý muốn nói xấu vừa cả công chúa vừa cả quan Thượng thư. Không ai biết lệnh bà bằng mình, Ngọc nghĩ. Một vị thiên tử khách còn không động được tới bà, đừng nói quan Thượng thư Tả Bộc Xa. Mỗi khi nghĩ đến chuyện này, Ngọc lại thấy bừng bừng cơn giận ở trong lòng nàng, nhưng nàng cũng biết quan Tư đồ ngài nói phải. Nàng không được đem những chuyện này làm bẩn tai Ni Sư.
Ở xã Hổ Sơn, xã quan có rước một ông đồ tên là đồ Tân về dạy học. Lớp của ông đồ Tân chỉ là một lớp tiểu tập Học trò từ những đứa mới học vỡ lòng còn để chỏm cho đến những đứa mười ba mười bốn, đếm được cả thảy hai mươi mốt đứa. Tất cả đều thuộc về hạng đủ ăn hoặc khá giả. Tại chùa, Ni Sư Hương Tràng cùng các Ni Sư Đàm Thái và Hương Nghiêm cùng các Ni Sư cũng có dạy một lớp học trò nho nhỏ, tất cả đều là con nhà nghèo. Ni Sư Hương Tràng đã đến từng nhà và xin cho từng đứa tới học. Lớp học bắt đầu mỗi ngày từ đầu giờ Thân và chấm dứt vào cuối giờ Thân, chừa các ngày Rằm, mồng một và các ngày vía lớn. Bà khuyên cha mẹ các em cố gắng cho các em để dành một ít chữ vào bụng, để sau này không người đời lừa gạt. Cũng vì lẽ đó nên trong lớp cũng có tới bảy đứa con gái, mà đúng đầu là bé Tuất. Lớp học của chùa có tất cả mười sáu em. Có mấy đưá chăn trâu cho nhà giàu đến tối mịt mới về nên không được theo học, và các Ni Sư chưa biết làm cách nào để giúp chúng. Bọn con nít nghèo được đi học thì sướng lắm. Chúng được học sách Tam Tự Kinh, Ấu Học Ngũ Ngôn Thi và Sơ Học Vấn Tân. Chúng được học cả Kinh Ông Bụt nữa. Phần lớn các sách này Ngọc đã mua hoặc xin lại tại nhà sách của Khanh ở phố Trường Thi, Năm trăm giấy mà Ngọc đang mang trong tay nải cũng là để đóng tập cho học trò để chúng tập viết.
Suy nghĩ liên miên bất giác Ngọc thấy mình đã đi tới chợ Huyện. Chợ vẫn còn đông người mua bán. Thấy có bán kẹo vừng, bánh ú, và bánh gai, Ngọc ghé lại. Nàng đặt tay nải xuống, lần lưng lấy tiền mua mỗi thứ một ít, bảo bà hàng gói vào lá chuối khô cẩn thận rồi mới mở tay nải bỏ tất cả vào. Rời chợ, Ngọc đi về phía cầu. Từ đây về tới xã Hổ Sơn không còn xa nữa. Kỳ này Ngọc sẽ được ở lại chùa ba hôm. Có thể đây là lần chót nàng về thăm chùa trước khi đi lấy chồng. Chỉ còn sáu tháng nữa thôi chứ có lâu lắc gì đâu. Ngọc tự dặn là chỉ báo tin cho Ni Sư Hương Tràng biết mà thôi. Các Ni Sư khác mà biết thì nàng thẹn chết. Năm nay Ngọc cũng đã hai mươi ba rồi. Nhớ ngày nào nàng còn nằng nặc đòi đi chung với công chúa. Bây giờ nàng mới biết rằng Ni Sư Hương Tràng nói đúng. Từ ngày rằm tháng giêng đến giờ, không ngày nào mà Ngọc cũng không nghĩ đến chuyện chồng con, mà Ngọc có muốn nghĩ đến chuyện đó đâu. Tự nhiên mà cái óc nàng cứ hướng về cái ý nghĩ đó. Thật cũng lạ lùng. Cái anh Tú Sinh ấy cả đời mình có quen biết đâu, tự dưng gặp một lần tại nhà quan Tư đồ rồi thì không quên được cái khuôn mặt của anh chàng nữa. Người ta nói là duyên nợ, Ngọc nghĩ đúng thực. Giả sử bây giờ mà Ni Sư Hương Tràng cho phép nàng được đi tu theo bà không biết Ngọc sẽ trả lời thế nào. Nàng thấy rõ lòng mình và thầm cám ơn Ni Sư. Ngọc ước ao rằng sau khi về nhà chồng nàng sẽ được phép lâu lâu về huyện Thiên Bản một lần để thăm Ni Sư. Có thể là chồng nàng sẽ đi với nàng. Ngọc rất muốn giới thiệu anh Tú Sinh với bà.
Ngọc đã về tới chân núi Hổ Sơn. Nàng nhắc tay nải đổi sang vai bên trái và rảo bước. Trời đã nắng gắt. Văng vẳng có tiếng chuông chùa. Trưa miền quê yên tĩnh lạ. Giờ này chắc trên chùa đang cúng ngọ. phải rồi, Ngọc nghe có tiếng mõ xem lẫn tiếng tụng kinh đều đều. Tới chân núi, Ngọc ghé vào nhà bác Trực. Trông thấy nàng, bác Trực gái mừng rỡ:
– Cô Ngọc, quý hóa quá! Thưa cô, cô mới về chơi?
Hỏi ra, Ngọc biết bác trai còn ở ngoài ruộng, và bé Tuất hiện đang ở trên chùa. Ngọc xin nước uống. Bác Trực gái nhanh nhẹn đi lấy bát. Bác ra mở chum nước mưa lấy chiếc gáo dừa múc đầy bát và mang vào cho Ngọc. Ngọc cám ơn và thong thả uống hết bát nước mưa một cách ngon lành. Nước mát quá. Nàng đem bát úp lại trên chạn, rồi nói với bác Trực gái:
– Cháu lên chùa rồi chiều mát sẽ trở xuống thăm bác và bác trai.
Bác trực gái tíu tít:
– Vâng, vâng, chiều xin mời cô xuống chơi. Bố nó thấy cô chắc là mừng lắm.
Ngọc xách tay nải đi ra cổng. Vòng sang phía trái, nàng theo con đường tắt leo lên núi. Nàng dừng lại để nghỉ nhiều lần dưới những bóng cây râm mát. Lên tới hông thiền đường Ngọc thấy năm bảy em bé đang quây quần bên sân cảnh. Thoáng thấy bóng Tuất trong số đó, Ngọc đi tắt sang. Các em bé đang bận rộn dựng khung vườn cảnh Lâm Tì Ni để sáng mai làm lễ Phật Đản. Thấy Ngọc, Tuất reo lên và chạy ra đón nàng. Con bé mắt sáng, tóc xõa ngang vai. Nó mặc áo cánh nâu và quần nâu.
– Cô Ngọc, cô Ngọc, Tuất ôm lấy cánh tay Ngọc. Nó đỡ cái tay nải của Ngọc đặt xuống trên thềm đá, và dương mắt nhìn Ngọc trìu mến. Ngọc xoa đầu con bé, hỏi:
– Ni Sư Hương Tràng làm gì trong chùa hả con?
– Thưa cô, Ni Sư của con không có trong chùa. Ni Sư xuống xóm dưới từ hồi sáng chưa về. Mời cô vào chùa. Có Ni Sư tự trưởng trong ấy và hai Ni Sư Đàm Thái và Hương Nghiêm nữa.
Tuất nhắc tay nải lên vai. Nó đợi Ngọc đi trước rồi bước theo sau. Ngọc hỏi:
– Ni Sư Hương Tràng đi xuống xóm dưới làm gì hả Tuất? Chừng nào Ni Sư mới về?
Ngọc hơi thất vọng. Nàng nghĩ bụng mình về đây là để được gần gũi Ni Sư Hương Tràng càng nhiều càng quý. Vậy mà Ni Sư lại không có mặt tại chùa, nhưng Ngọc lại tự cười là mình nóng nảy. Chậm lắm là nhá nhem tối, Ni Sư của nàng thế nào cũng về tới chùa.
Vào khác đường; Ngọc chắp tay kính cẩn chào Ni Sư Tĩnh Quang, rồi đỡ lấy tay nải. Nàng bảo bé Tuất xuống lấy vài cái mâm gỗ. Rồi nàng sắp các thứ trong nải ra: Một mâm đựng bánh trái và kẹo, còn một mâm đựng bút, mực tầu và giấy bản. Ngọc bưng từng mâm đặt trên bàn. Ni Sư Tĩnh Quan bảo Tuất đi rót nước hồng mai mời Ngọc.
Sau khi biết Ngọc sẽ ở lại, được ba hôm, Ni Sư tự trưởng nói với nàng:
– Quý hóa quá. Thế nào Ni Sư Hương Tràng cũng được nghe nhiều chuyện trên kinh sư. Cô đi đường có mệt lắm, xin mời cô qua liêu phòng nghỉ ngơi chốc lát. Ni Sư Hương Tràng xuống xóm cũng sắp về tới nơi đây thôi. Tội nghiệp, hồi trưa này đi gấp quá bỏ cả bữa ngọ trai.
Ngọc thưa với Ni Sư là nàng không mệt nên không cần vào hậu liêu nghỉ ngơi. Ni Sư nói:
– Để tôi nói với Hương Nghiêm sang tiếp chuyện cô nhé. Tôi xin lỗi cô một lát vì tôi phải về lo cho xong sớ phái cho ngày mai. Ngày mai có tới năm mươi hai người xin thọ tam quy ngũ giới. Tối nay mình sẽ có dịp nói chuyện.
Ngọc đứng lên đáp lễ Ni Sư Tĩnh Quang. Nàng định đi ra, tự tìm Ni Sư Hương Nghiêm, nhưng Ni Sư đã bước vào, tươi cười:
– Chào chị Ngọc.
– Chào Ni Sư Hương Nghiêm.
– Xin chị gọi em bằng em thay bằng cô đi. Em còn nhỏ tuổi lắm mà. Ni Sư Hương Nghiêm cười đến ngồi trước mặt Ngọc, và nắm lấy bàn tay Ngọc.
Ni Sư Hương Nghiêm còn trẻ thật. Năm nay cô mới vào khoảng mười chín tuổi. Ngọc quen cô từ hồi cô còn đang theo học cùng một lớp Phật pháp với Ni Sư Hương Tràng tại chùa Vũ Ninh. Cô rất mến phục Ni Sư Hương Tràng, và thấy cô cũng thông tuệ và đức hạnh nên Ni Sư Hương Tràng đã rủ cô về nhập chúng Nộn Sơn khi lóp học mãn khóa.
– Chị Hương Tràng của em đang đi tìm thầy thuốc cho thím Phụng, mẹ thằng cu Lợi. Thím ấy đau nghén. Xem bộ đầy ngày đầy tháng rồi mà trong nhà không có ai chăm sóc cả. Thằng Lợi thấy u nó ôm bụng la thì sợ cuống cả lên. Nó không biết cầu cứu ai cho nên chạy lên chùa. Bố nó đi đánh giặc Chiêm năm ngoái tử trận; nhà một mẹ một con thật là tội nghiệp.
Ngọc còn nhớ thằng cu Lợi. Nó là một đứa học trò của chùa Nộn Sơn và cũng được các Ni Sư ở chùa thương yêu lắm. Nó cùng tuổi với Tuất.
Hương Nghiêm trông thấy giấy và bút trên mâm thì mừng lắm. Cô nói:
– Giấy và mực của chị mang về đấy hả chị Ngọc? Hay quá. Như vậy là có quà Phật Đản cho các em rồi đấy. Tối nay em sẽ thức khuya để đóng cho mỗi đứa một quyển tập.
Vừa lúc ấy, Ngọc nghe có tiếng cười nói xôn xao và vui vẻ trước sân chùa. Nhìn ra, nàng thấy nhiều phụ nữ xa quang thúng. Có tới bốn bà và ba cô gái. Họ đã đặt quang gánh trước nhà kho. Họ gánh hoặc đội lên chùa nào là gạo, nào là nếp, nào là rau đậu, nào là trái cây. Ngọc biết đây là những thứ mà dân làng đem lên để chuẩn bị làm cỗ chay để cho bách tính đến ăn. Nghĩ cũng vui. Vào ngày Phật Đản, không có chùa nào trong nước mà không làm cơm chay để cho bách tính đến ăn. Ngày ấy không ai sợ đói cả, kể cả những người khố rách áo ôm, kể cả những ăn xin nằm đường. Ai tới chùa cũng được tiếp đãi ân cần. kẻ quý phái tới cũng được ăn những món ấy mà người nghèo đói tới cũng được ăn cùng những món ấy. Ngọc tự nhủ sẽ vào nhà bếp để xem cách thức nấu chay ở thôn quê. Ở trong cung điện, hoàng gia vẫn thường ăn chay nhưng các món chay ấy không phải là những món dân dã.
Một lát sau, lại có nhiều người khác đến chùa. Họ gánh theo những lồng chim và những vại cá. Ngọc biết chim và cá này là để phóng sinh vào ngày Phật Đản. Sáng ngày mai, sau lễ tắm Phật sơ sinh, các Ni Sư sẽ mở lồng cho chim bay. Đến chiều, cá mới được thả ở bờ sông. Dân chúng sẽ tụ tập đông đảo dưới bến. Đọc kinh và thả cá xong, mọi người sẽ đốt đèn và thả xuống nước. Hàng ngàn ngọn đèn sẽ trôi lấp lánh trên sông. Đây gọi là lễ phóng đăng. Ngọc đã từng dự nhiều lễ phóng sinh và phóng đăng trên kinh đô, nhưng đây là lần đầu nàng sẽ được dự lễ ấy ở miền thôn dã.